Thứ Ba, 21 tháng 1, 2020

Những cách Iran tiếp tục 'báo thù' Mỹ

Câu hỏi "Iran phản ứng ra sao sau khi thiếu tướng Qassem Soleimani thiệt mạng" xuất hiện trong đầu các nhà hoạch định chính sách và công chúng Mỹ sau vụ không kích hôm 3/1. Phản ứng đầu tiên mà Mỹ phải nhận là đòn tập kích tên lửa của Iran nhằm vào hai căn cứ có lính Mỹ đồn trú tại Iraq ngày 8/1, dù không gây thương vong.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei sau đó tuyên bố vụ tập kích tên lửa là "cú tát mạnh" giáng vào mặt Mỹ nhưng chưa đủ, bởi mục tiêu cuối cùng của Iran là đẩy lùi Mỹ khỏi khu vực Trung Đông, và Tehran sẽ tiếp tục tung các đòn tấn công nhắm vào lợi ích của Mỹ cho đến khi đạt được mục đích này.

Lời đe dọa của lãnh đạo Iran khiến nhiều người lo ngại nguy cơ nổ ra xung đột giữa Tehran và Washington. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng Iran sẽ gặp rất nhiều khó khăn khi đối đầu trực diện với Mỹ.

Các lệnh trừng phạt của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump trong những năm qua đã khiến kinh tế Iran thiệt hại nặng. GDP nước này giảm gần 10% trong năm 2019, xuất khẩu dầu mỏ tụt từ 2,5 triệu thùng xuống dưới 500.000 thùng/ngày.

Lạm phát tại Iran tăng nhanh và hiện ở mức hơn 30%, tỷ lệ thất nghiệp lên tới mức 20%, chi tiêu chính phủ tăng trong khi đời sống khó khăn khiến dân chúng bất mãn.

Những yếu tố kinh tế này kìm hãm khả năng Iran có đủ ngân sách cho một cuộc chiến trường kỳ chống lại Mỹ. Tuy nhiên, điều đó không đồng nghĩa với việc Tehran chỉ "đe dọa suông" với Washington. Iran vẫn nắm trong tay những vũ khí bí mật có thể phát động các đòn tấn công nhằm vào mục tiêu Mỹ bằng cách sử dụng các lực lượng ủy nhiệm tại Trung Đông.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei trong buổi cầu nguyện ngày 18/1 tại Tehran. Ảnh: Reuters.

Lãnh tụ tinh thần tối cao Iran Ali Khamenei trong buổi cầu nguyện ngày 18/1 tại Tehran. Ảnh: Reuters .

Mạng lưới lực lượng ủy nhiệm của Iran rất rộng và đáng gờm, bao gồm các lực lượng cũ như dân quân Hezbollah ở Lebanon, phong trào Hamas tại Palestine cùng các nhóm mới như dân quân Shiite ở Iraq (Lực lượng Tổng động viên - PMU) hay phiến quân Houthi tại Yemen.

Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) gần đây còn huấn luyện và trang bị cho nhóm Quân đội Giải phóng Hồi giáo Shia (SLA) với 200.000 tay súng dòng Shiite được tuyển từ những nơi như Afghanistan, Yemen, Pakistan để triển khai ra các chiến trường nước ngoài như Syria.

Đặc nhiệm Quds thuộc IRGC chịu trách nhiệm chính trong cung cấp vũ khí và huấn luyện các nhóm dân quân do nước này hậu thuẫn. Bởi vậy, Ilan Berman, phó chủ tịch Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ, cho rằng cái chết của tướng Soleimani, chỉ huy đặc nhiệm Quds, sẽ khiến các nhóm dân quân này rơi vào hỗn loạn, ít nhất là trong ngắn hạn.

Các báo cáo tình báo ở Trung Đông cho thấy lực lượng dân quân Iraq đang trong "tình trạng rối loạn" sau khi Soleimani bị hạ sát và không thể sẵn sàng tung đòn tấn công vào các mục tiêu Mỹ hay đồng minh.

Tuy nhiên, cùng với thời gian, Tehran nhiều khả năng sẽ lấy lại quyền kiểm soát các nhóm này và tiếp tục chỉ đạo họ chống lại Mỹ và các đồng minh trong khu vực Trung Đông như Israel, Arab Saudi và Bahrain. Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của thiếu tướng Esmail Ghaani , tư lệnh mới của lực lượng Quds.

Chiến tranh mạng là biện pháp trả đũa khác của Iran nhằm vào Mỹ. Trong nhiều năm, Iran đầu tư mạnh vào phát triển năng lực tác chiến không gian mạng và tổ chức loạt vụ tấn công nhằm vào các công ty dầu khí Arab Saudi cùng các tổ chức tài chính của Mỹ để khẳng định năng lực. Trước khi Tổng thống Donald Trump rút khỏi thỏa thuận hạt nhân tháng 5/2018, Iran ít mở các cuộc tấn công mạng mà tập trung vào thu thập thông tin về chính quyền mới của Mỹ.

Bộ An ninh Nội địa Mỹ cảnh báo Iran có thể mở cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở quan trọng của nước này và gây thiệt hại nặng, đồng thời có thể phát động các chiến dịch gây rối loạn trên mạng xã hội. Lầu Năm Góc và Bộ Ngoại giao Mỹ chưa nói rõ về chiến lược ngăn chặn hoặc giảm thiểu thiệt hại từ các cuộc tấn công mạng của Iran.

'Đế chế đặc nhiệm' bí mật của Iran
 
 
'Đế chế đặc nhiệm' bí mật của Iran

Hoạt động của đặc nhiệm Iran tại Trung Đông. Video: CSIS .

Iran sẽ trả đũa phi đối xứng cho cái chết của tướng Soleimani vì chiến thuật này đóng vai trò chủ chốt trong sức mạnh của họ. Lãnh đạo Iran ủng hộ mạnh mẽ với chiến lược bất đối xứng trong những cuộc đối đầu trực tiếp kể từ cuộc chiến tranh với Iraq những năm 1980-1988.

Các biện pháp trừng phạt dai dẳng của phương Tây làm kiệt quệ quân đội chính quy của Iran. Lực lượng này gặp rất nhiều khó khăn khi mua khí tài, phụ tùng và các vật liệu phục vụ hoạt động tác chiến nên không đủ khả năng đáp trả đối xứng với đối thủ.

Thiếu tướng Soleimani được coi là kiến trúc sư của nghệ thuật tác chiến phi đối xứng Iran. Soleimani dành gần 25 năm để xây dựng chiến thuật này, đó là lý do cuộc không kích hạ sát ông khiến lực lượng ủy nhiệm của Iran bị Trung tâm dịch thuật ảnh hưởng nặng nề và khiến Iran thận trọng hơn khi sử dụng tác chiến phi đối xứng.

Theo chuyên gia Berman, Iran trong thời gian tới vẫn có thể cân nhắc về cái giá phải trả cho cách tiếp cận đối đầu với Mỹ tại Trung Đông và dừng các hành vi gây hấn nếu cho rằng cái giá đó là quá cao. Trong trường hợp ngược lại, nghệ thuật tác chiến phi đối xứng mà tướng Soleimani dày công xây dựng vẫn là vũ khí mạnh nhất mà Iran có thể sử dụng trong cuộc đối đầu với Mỹ.

Nguyễn Tiến (Theo National Review )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét